Điều trị bệnh loãng xương như thế nào? – Phương pháp điều trị bệnh hiệu quả
February 11, 2022Các biện pháp điều trị loãng xương nhằm phục hồi và ngăn chặn quá trình mất xương. Cần kết hợp chữa trị bằng thuốc và luyện tập, bổ sung dinh dưỡng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Mời bạn đọc tìm hiểu kĩ hơn trong bài viết dưới đây.
Cách điều trị bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm mà chỉ làm giảm và chậm quá trình lão hóa xương. Có 2 phương pháp điều trị bệnh loãng xương đang được áp dụng là:
Điều trị bệnh loãng xương bằng biện pháp dùng thuốc
Bổ sung canxi và vitamin D
Bổ sung vitamin D và canxi chính là chìa khóa giúp cho mật độ xương ổn định, đẩy lùi bệnh loãng xương. Bên cạnh việc bổ sung canxi qua thực đơn hằng ngày thì những người bị loãng xương cũng được khuyến cáo bổ sung canxi từ thuốc hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những loại thuốc này giúp bổ sung canxi, vitamin D và khoáng chất giúp xương chắc khỏe và duy trì mật độ xương.
Hàm lượng canxi khuyến cáo là 1200 đến 1500 mg/ ngày (bao gồm cả khẩu phần ăn), vitamin D là 800 đến 1000 IU/ngày.
Thuốc chống hủy xương
Bisphosphonate là thuốc đầu tay trong điều trị loãng xương. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế quá trình hủy xương và tăng tích lũy canxi ở xương. Từ đó giúp làm tăng khối lượng xương, giảm gãy xương và loãng xương. Theo các nghiên cứu, bisphosphonate giúp giảm tỉ lệ gãy xương đùi và gãy cột sống lên đến 50%. Có 2 dạng dùng của bisphosphonate là uống và tiêm như Alendronate, Zoledronic acid, Risedronate….
Estrogen có thể giúp mật độ xương không bị suy giảm và giảm tỉ lệ gãy xương ở phụ nữ mãn kinh. Dùng Estrogen có hiệu quả tốt nhất là trong 4 đến 6 năm sau khi mãn kinh.
Raloxifene là thuốc có thể dùng để chữa loãng xương cho phụ nữ không đáp ứng với bisphosphonate. Các nghiên cứu chỉ ra Raloxifene làm giảm 50% tỉ lệ gãy xương sống nhưng không giảm nguy cơ gãy xương đùi.
Denosumab có tác dụng chống lại Rankl (một loại protein có tác dụng hủy xương) do đó làm chậm quá trình hủy xương. Denosumab dùng khi không đáp ứng các phương pháp điều trị khác hoặc dùng cho bệnh nhân suy thận.
Thuốc tăng chuyển hóa (PTH)
Có tác dụng kích thích hình thành xương mới và chỉ sử dụng khi không đáp ứng với các thuốc điều trị hoặc loãng xương do glucocorticoid.
Biện pháp không dùng thuốc
Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm: tập thể dục đều đặn, tắm nắng mỗi ngày; bổ sung đủ chất dinh dưỡng; duy trì một cân nặng cơ thể phù hợp.
Tập thể dụng đều đặn: Yoga, đi bộ, chạy bộ hay bơi lội sẽ giúp tăng sự dẻo dai và sức chịu đựng của xương côt.
Tắm nắng: Ánh sáng mặt trời giúp chuyển hóa tiền vitamin D thành vitamin D giúp hấp thu canxi tốt hơn. Do đó, tắm nắng 30 phút mỗi ngày trước 9h sáng sẽ giúp giảm bệnh loãng xương.
Bổ sung đủ dinh dưỡng: Dinh dưỡng cũng rất quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi bệnh loãng xương. Việc bổ sung đủ lượng đạm, canxi, vitamin D, vitamin k, magie và các khoáng chất từ bữa ăn hàng ngày là yếu tố giúp làm chậm quá trình loãng xương.
Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì, thừa cân hay thiếu cân đều có nguy cơ cao dẫn đến loãng xương, gãy xương. Vì vậy, cần duy trì cân nặng vừa phải để có một sức khỏe tốt nhất.
Tránh sử dụng chất kích thích: Cafein, rượu bia chính là những tác nhân kích thích sự hủy xương. Vậy nên, cần hạn chế sử dụng những chất kích thích này để xương khớp luôn khỏe mạnh, chắc chắn.
Những lưu ý để phòng ngừa và điều trị loãng xương
Cần thường xuyên đến thăm khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra mật độ xương và đo loãng xương để phát hiện và điều trị kịp thời.
Cần đảm bảo cầu thang và nhà cửa gọn gàng, không bị lộn xộn hoặc hạn chế leo thang để giảm tối đa nguy cơ té ngã dẫn đến gãy xương.
Khi tập thể dục, cần tránh vận động mạnh hay thực hiện các động tác khó dễ gây chấn thương.
Với những bệnh nhân đang điều trị bệnh loãng xương hoặc người có tiền sử mắc loãng xương thì cần phải tái khám bệnh đúng lịch hẹn để biết được tiến triển cũng như tình trạng sức khỏe.
Đặc biệt, không được tự ý mua thuốc uống khi không có chỉ định, tự ý tăng liều hoặc bỏ thuốc được kê bởi bác sĩ điều trị.
Những đối tượng cần dự phòng loãng xương bao gồm: bệnh nhân thiếu xương, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới lớn tuổi, bệnh nhân dùng glucocorticoid liều cao hoặc dùng dài hạn…
Xem thêm: Bệnh loãng xương nên ăn gì
Dù là phương pháp điều trị loãng xương bằng thuốc hay không dùng thuốc cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để không xảy ra những tác dụng không mong muốn đáng tiếc.