Bệnh loãng xương là gì? Cách phân biệt loãng xương và thiếu xương
January 21, 2022Loãng xương và thiếu xương là những tình trạng bệnh lý khiến xương bị yếu đi, nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây gãy xương, tàn tật. Vậy thiếu xương và bệnh loãng xương là gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương là bệnh rối loạn chuyển hóa ở các tế bào xương khiến xương bị mỏng, yếu đi và dễ gãy. Bệnh tiến triển chậm, chỉ được phát hiện và chẩn đoán khi có chấn thương ở xương hay gãy xương.
Ở những người khỏe mạnh, quá trình tạo và hủy xương xảy ra cân bằng với nhau. Hai quá trình này được điều chỉnh bởi các hormone PTH (tuyến cận giáp), estrogen, testosteron, calcitonin, vitamin D, các cytokine và các prostaglandin. Tuy nhiên, khi cơ thể không được bổ sung đủ dưỡng chất cho xương thì sự hủy xương diễn ra nhanh hơn, tái tạo ương sẽ giảm xuống và dẫn đến loãng xương.
Các chấn thương thường gặp ở người bị loãng xương bao gồm: Gãy xương cổ tay, gãy xương đùi, gãy cột sống, gãy xương hông… Tuy nhiên, tình trạng gãy xương cũng có thể gặp ở các xương khác như xương chậu, xương cánh tay….
Gãy xương ở cột sống là một trong những nguyên nhân gây đau và tàn phế suốt đời ở những bệnh nhân loãng xương.
Thiếu xương là gì?
Khi cơ thể có khối lượng xương thấp hơn những người bình thường thì được gọi là thiếu xương. Đây là yếu tố nguy cơ cao để tiến triển thành bệnh loãng xương. Tình trạng này thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi.
Phân biệt loãng xương và thiếu xương
Người bị thiếu xương là mật độ xương của họ thấp hơn người bình thường, là bước đầu để phát triển thành loãng xương.
Để phân biệt được loãng xương và thiếu xương, người ta sẽ tiến hành đo mật độ xương bằng thiết bị đo độ hấp phụ năng lượng kép tia X là DXA (DEXA).
Kết quả của DXA là tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương hay thiếu xương. Được đặc trưng bởi độ lệch chuẩn của mật độ xương người bệnh so với người khỏe mạnh cùng giới, chủng tộc (T score) hoặc so với người khỏe mạnh cùng giới, cùng tuổi, cùng màu da (Z score).
+ T score nằm trong khoảng -1,5 đến -2,5 thì được định nghĩa là thiếu xương.
+ T score nhỏ hơn -2,5 thì được gọi là bệnh loãng xương.
Dựa vào chỉ số T score, các bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá nguy cơ gãy xương FRAX để đưa ra được các phương án để điều trị và ngăn chặn bệnh diễn biến nhanh hơn.
Các biện pháp chủ yếu là sử dụng hormon, thuốc chống hủy xương, bổ sung đủ canxi, vitamin D…
Những ai có nguy cơ cao bị loãng xương, thiếu xương
Quá trình mất xương là một phần của sự lão hóa. Tuy nhiên, ở một số người sự mất xương diễn ra nhanh hơn nhiều so với những người khác. Điều này đã dẫn đến thiếu xương và tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương do loãng xương.
Nữ giới cũng có khối lượng xương thấp hơn và có nguy cơ mất xương cao hơn nam giới cùng tuổi, điều này bắt đầu từ thời kỳ tiền mãn kinh hoặc sau khi sinh nở. Lúc này, nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi dẫn đến quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn.
Những yếu tố gây tăng nguy cơ loãng xương là gì?
+ Sử dụng liên tục steroid liều cao nhiều hơn 3 tháng.
+ Có tiền sử gia đình bị loãng xương, đặc biệt là gãy xương hông.
+ Quá gầy.
+ Người chán ăn, kém hấp thu.
+ Các bệnh mạn tính như viêm khớp, lupus hệ thống.
+ Người không thường xuyên tập thể dục, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
+ Người nghiện rượu, hút thuốc, thường xuyên sử dụng nước có ga, cà phê, trà… có nguy cơ loãng xương, thiếu xương cao hơn bình thường.
+ Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc người đã cắt bỏ buồng trứng.
+ Người cao tuổi (trên 50 tuổi).
+ Những người thường xuyên sử dụng các thuốc gây hủy xương như glucocorticoid, thuốc chống động kinh hay tim mạch..
+ Chế độ ăn không bổ sung đủ canxi, vitamin D.
+ Người châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn châu Âu.
Xem thêm: Bệnh loãng xương nên ăn gì
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh loãng xương và thiếu xương. Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ biết được bệnh loãng xương là gì? Sự khác biệt nhau giữa loãng xương và thiếu xương.