Loãng Xương – Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
February 2, 2022Theo thống kê, có đến 3,6 triệu người Việt Nam bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 75% số người bị mắc bệnh. Vậy, loãng xương là gì? Vì sao tỉ lệ này lại cao vậy? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Loãng xương là gì?
Theo thống kê của WHO, cứ 2 người phụ nữ trên 85 tuổi thì sẽ có 1 người bị gãy xương và tỉ lệ này ở nam giới là 1/3. Bệnh đã gây ra gánh nặng lên bản thân, gia đình cũng như nền kinh tế xã hội. Bệnh lý này một phần nguyên nhân là do cơ thể thiếu canxi dẫn đến tình trạng mất xương, loãng xương ở người.
Loãng xương là gì
Khái niệm về bệnh lý Loãng Xương
Loãng xương hay còn gọi là giòn xương, là một trình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở xương gây giảm mật độ xương, độ dẻo dai và sức chịu đựng của xương. Từ đó làm tăng tổn thương xương, gãy xương.
Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gãy xương ở những phụ nữ sau khi mãn kinh và người cao tuổi. Xương cột sống, xương đùi hay xương tay là những nơi chịu lực và thường xuyên vận động nên thường dễ gãy nhất. Tỉ lệ tái gãy cao gấp 2,5 lần đối với những người từng bị gãy xương do bệnh giòn xương gây ra. Các xương bị gãy do loãng xương rất khó lành lại. Trong đó có đến 40% bệnh nhân bị gãy xương đùi bị phụ thuộc hoàn toàn vào người khác khi vận động và 60% gặp khó khăn trong đi lại.
Bệnh giòn xương thường tiến triển trong thầm lặng. Bệnh chỉ biển hiện ra ngoài được khi trình trạng loãng xương diễn ra nặng sau một thời gian dài. Tình trạng của bệnh sẽ nặng hơn khi về già.
Phân loại các cấp độ loãng xương
Loãng xương được chia làm 2 loại đó là loãng xương thứ phát và loãng xương nguyên phát. Trong đó, mỗi cấp độ bệnh lại được lý giải chi tiết như sau:
Loãng xương nguyên phát
Đây là tình trạng loãng xương do tuổi tác và tình trạng sau mãn kinh ở phụ nữ. Có đến 95 % phụ nữ và 80% nam giới là mắc bệnh giòn xương nguyên phát này. Cơ chế gây bệnh ở thể này là sự tăng hủy xương và giảm tạo xương dẫn đến tổn thương vi kiến trúc và giảm khối lượng xương.
Có 2 loại loãng xương nguyên phát:
+ Loãng xương typ 1 (do mãn kinh): Nguyên nhân của typ này là do sự suy giảm nội tiết tố estrogen, tăng thải calci niệu và sự giảm hoạt động của enzym calcitriol. Độ tuổi 50 đến 55 và đã mãn kinh thường mắc bệnh lý này. Tổn thương thường gặp nhất là xốp xương, lún gãy cột sống hoặc gãy xương đùi.
+ Loãng xương typ 2 (do tuổi già): Nguyên nhân của typ này là do tuổi tác và mất cân bằng của quá trình tạo hủy xương. Cơ chế chủ yếu gây ra bệnh lý này là giảm hấp thu canxi và giảm chức năng tạo tế bào xương.
Loãng xương thứ phát
Tình trạng loãng xương nguyên phát liên quan đến các bệnh mạn tính và do một số loại thuốc mà người bệnh sử dụng.
Các nguyên nhân dẫn đến loãng xương thứ phát:
-Bệnh về nội tiết: Cường giáp, bệnh to đầu chi, tiểu đường đường,…
-Nhóm bệnh lý xương khớp: Bệnh lý cột sống hay viêm khớp dạng thấp,…
-Bệnh tiêu hóa: Cắt dạ dày, bệnh gan mạn tính, thiếu dinh dưỡng,…
-Do ung thư Kahler…
-Bệnh nhiễm sắc tố sắt do di truyền…
-Bệnh nhân sử dụng các thuốc corticoid, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài, heparin…
Phân loại loãng xương
Nguyên nhân của loãng xương là gì?
Muốn xương được khỏe mạnh thì cơ thể cần cung cấp đủ lượng canxi, vitamin và khoáng chất cơ thể cần. Quá trình tạo xương mới và hủy xương cũ diễn ra liên tục. Nếu hàm lượng canxi không được nhận đủ, quá trình tạo – hủy xương bị mất cân bằng, dẫn đến xốp xương, thiếu xương.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh lý này bao gồm:
+ Lười vận động hoặc thường xuyên lao động vất vả, mang vác nặng.
+ Do tuổi tác: quá trình tạo xương diễn ra chậm hơn và quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn.
+ Chế độ dinh dưỡng không bổ sung đủ canxi.
+ Giới tính: nam giới có tỉ lệ mắc loãng xương thấp hơn nữ giới.
+ Bệnh lý nội tiết, xương khớp.
+ Sử dụng corticoid, heparin hay lợi tiểu kéo dài….
Biểu hiện của loãng xương
Người bệnh thường không biết mình bị loãng xương cho đến khi gặp 1 số chấn thương nhẹ. Một số biểu hiện của bệnh là:
Đau nhức xương, chuột rút: đau ở phần eo, cột sống, xương chậu, đầu gối. Tình đạng đau nhức sẽ tăng lên khi vận động mạnh và giảm đi khi nghỉ ngơi.
Gãy lún cột sống: Biểu hiện thường là gù lưng, khom lưng, giảm chiều cao, đau lưng cấp.
Chẩn đoán bệnh
Các biện pháp chẩn đoán bao gồm là:
Đánh giá mật độ xương bằng chụp X quang DXA. Phương pháp này nhanh, không gây đau đớn và áp dụng cho những đối tượng: Phụ nữ trên 65 tuổi, bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương, bệnh nhân xẹp đốt sống không triệu chứng, bệnh nhân có nguy cơ mắc loãng xương thứ phát…
Kết quả của DXA là các chỉ số T-score và Z-score. T-score là chỉ số mật độ xương của người bệnh so với người khỏe mạnh, cùng giới. Trong đó, khi chỉ số T-score < -1,0 và > -2,5 được gọi là thiểu xương, khi chỉ số T-score ≤ -2.5 được gọi là loãng xương.
Z-score là chỉ số mật độ xương của người bệnh so với đối chứng là người khỏe mạnh, bằng tuổi, cùng giới. Mật độ xương thấp so với tuổi và cần đi tìm nguyên nhân giảm mật độ xương thứ phát khi chỉ số Z score ≤ -2.0.
+ Xét nghiệm cận lâm sàng như máu và nước tiểu: kiểm tra nồng nội tiết tố và tìm kiếm ra các sự thiếu hụt vitamin hay khoáng chất gây ra nguy cơ gây tăng sự mất xương.
Cách điều trị bệnh
Các biện pháp dùng trong điều trị loãng xương bao gồm:
– Biện pháp không dùng thuốc
Thay đổi lối sống, tập thể dục đều đặn, tăng sức chịu đựng bằng các bài tập chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ.. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng đủ canxi, vitamin, đạm…, không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê… rất quan trọng để nâng cao sức khỏe cũng như xương khớp.
– Điều trị bằng thuốc
+ Canxi: từ 1000 đến 1200mg/ ngày
+ Vitamin: 800 đến 1.000IU/ ngày.
+ Các thuốc chống hủy xương: Biphosphonat, nhóm thuốc chọn lọc thụ thể estrogen
+ Nhóm tăng tạo xương và ức chế quá trình hủy xương,…
– Điều trị các biến chứng
+Điều trị đau: Sử dụng thuốc theo bậc thang giảm đau của WHO kết hợp với Calcitonin.
+Gãy xương: đeo nẹp, bơm xi măng hoặc thay đốt sống nhân tạo.
– Điều trị lâu dài
+ Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và được theo dõi sát sao.
+ Sau 1 đến 2 năm đo lại mật độ xương và đánh giá kết quả điều trị bệnh.
+ Sau khi được điều trị, sau 3 đến 5 năm sẽ đánh giá lại tổng thể kết quả điều trị và phương án điều trị trong giai đoạn tiếp theo.
Phòng ngừa bệnh loãng xương
Để phòng ngừa bệnh cần đảm bảo bao gồm 2 mục tiêu là ngăn ngừa giảm khối lượng xương và ngăn gãy xương. Những đối tượng cần được phòng ngừa bệnh bao gồm:
+ Phụ nữ sau khi mãn kinh
+ Nam giới cao tuổi
+ Người thiếu xương
+ Người dùng glucocorticoid liều cao hoặc dùng dài hạn.
+ Bệnh nhân đã bị loãng xương.
+ Bệnh nhân mất xương do nguyên nhân thứ phát.
Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?
Tình trạng thiếu xương, giòn xương hay mất xương thường diễn ra âm thầm, khó phát hiện. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Gãy lún cột sống, gãy xương; giảm chiều cao hay tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp. Vì phải thường xuyên nhập viện điều trị gãy xương, rạn xương do bệnh lý này gây ra.
Xem thêm: Uống canxi và vitamin tổng hợp cách nhau bao lâu
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh loãng xương, nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại câu hỏi, các chuyên gia sẽ giải đáp giúp bạn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.